Bài 2. Các phép tính với số hữu tỉ

Chương 1. Số hữu tỉ

1. Cộng, trừ hai số hữu tỉ

Để cộng, trừ hai số hữu tỉ x, y, ta có thể viết chúng dưới dạng hai phân số rồi áp dụng quy tắc cộng, trừ phân số.

Ví dụ

1) Tính:

a) 0,6 + $\frac{3}{-4}$;     b) $\left(-1\frac{1}{3}\right)$ - (-0,8).

Giải

a) 0,6 + $\frac{3}{-4}=\frac{3}{5}+\frac{-3}{4}=\frac{12}{20}+\frac{-15}{20}=\frac{-3}{20}$.

b) $\left(-1\frac{1}{3}\right)$ - (-0,8) = $\frac{-4}{3}-\frac{-4}{5}=\frac{-20}{15}-\frac{-12}{15}=\frac{-8}{15}$.

 

2) Nhiệt độ hiện tại trong một kho lạnh là -5,8 oC. Do yêu cầu bảo quản hàng hóa, người quản lý kho tiếp tục giảm độ lạnh của kho thêm $\frac{5}{2}$ oC nữa. Hỏi khi đó nhiệt độ trong kho là bao nhiêu độ C?

Giải

-5,8 - $\frac{5}{2}=\frac{-29}{5}-\frac{5}{2}=\frac{-58}{10}-\frac{25}{10}=\frac{-83}{10}$ = -8,3 (oC).

Vậy khi đó nhiệt độ trong kho là -8,3 oC.

2. Tính chất của phép cộng số hữu tỉ

Phép cộng số hữu tỉ cũng có tính chất như phép cộng số nguyên: giao hoán, kết hợpcộng với số 0.

Ví dụ

Tính giá trị của biểu thức sau một cách hợp lí:

B = $\left(\frac{-3}{13}\right)+\frac{16}{23}+\left(\frac{-10}{13}\right)+\frac{5}{11}+\frac{7}{23}$.

Giải

B = $\left(\frac{-3}{13}\right)+\left(\frac{-10}{13}\right)+\frac{16}{23}+\frac{7}{23}+\frac{5}{11}$ (giao hoán)

  = $\left(\frac{-3}{13}+\frac{-10}{13}\right)+\left(\frac{16}{23}+\frac{7}{23}\right)+\frac{5}{11}$ (kết hợp)

  = (-1) + 1 + $\frac{5}{11}$ = 0 + $\frac{5}{11}=\frac{5}{11}$. (cộng với số 0)

3. Nhân hai số hữu tỉ

Cho x, y là hai số hữu tỉ: x = $\frac{a}{b}$, y = $\frac{c}{d}$, ta có x . y = $\frac{a}{b}.\frac{c}{d}=\frac{a.c}{b.d}$.

Ví dụ

Tính: a) (-3,5).$\left(1\frac{3}{5}\right)$;     b) $\frac{-5}{9}.\left(-2\frac{1}{2}\right)$.

Giải

a) (-3,5).$\left(1\frac{3}{5}\right)=\frac{-7}{2}.\frac{8}{5}=\frac{(-7).8}{2.5}=\frac{-28}{5}$.

b) $\frac{-5}{9}.\left(-2\frac{1}{2}\right)=\frac{-5}{9}.\frac{-5}{2}=\frac{(-5).(-5)}{9.2}=\frac{25}{18}$.

4. Tính chất của phép nhân số hữu tỉ

Phép nhân số hữu tỉ cũng có các tính chất như phép nhân số nguyên: giao hoán, kết hợp, nhân với số 1, phân phối của phép nhân đối với phép cộng.

Ví dụ

Tính:

A = $\frac{5}{11}.\left(\frac{-3}{23}\right).\frac{11}{5}$.(-4,6);    B = $\left(\frac{-7}{9}\right).\frac{13}{25}-\frac{13}{25}.\frac{2}{9}$.

Giải

A = $\left(\frac{5}{11}.\frac{11}{5}\right).\left[\frac{-3}{23}.(-4,6)\right]$ (giao hoán và kết hợp)

  = 1.$\frac{3}{5}=\frac{3}{5}$. (nhân với số 1)

B = $\frac{13}{25}.\left(\frac{-7}{9}-\frac{2}{9}\right)$ (phân phối của phép nhân đối với phép cộng)

  = $\frac{13}{25}.(-1)=\frac{13}{25}$. (nhân với số 1)

5. Chia hai số hữu tỉ

Cho x, y là hai số hữu tỉ: x = $\frac{a}{b}$​, y = $\frac{c}{d}$​ (y ≠ 0), ta có x : y = $\frac{a}{b}:\frac{c}{d}=\frac{a}{b}.\frac{d}{c}=\frac{a.d}{b.c}$​.

Chú ý: Thương của phép chia x cho y (với y ≠ 0) gọi là tỉ số của hai số x và y, kí hiệu là x : y hay $\frac{x}{y}$.

Ví dụ

1) Tính: $\frac{14}{15}:\left(-\frac{7}{5}\right)$;      $\left(-2\frac{2}{5}\right)$:(-0,32).

Giải

• $\frac{14}{15}:\left(-\frac{7}{5}\right)=\frac{14}{15}.\frac{5}{-7}=\frac{14.5}{15.(-7)}=\frac{-2}{3}$.

• $\left(-2\frac{2}{5}\right)$:(-0,32) = $\frac{-12}{5}:\frac{-8}{25}=\frac{-12}{5}.\frac{25}{-8}=\frac{(-12).25}{5.(-8)}=\frac{15}{2}$.

 

2) Một căn phòng hình chữ nhật có chiều rộng là $\frac{15}{4}$ m, chiều dài là $\frac{27}{5}$ m. Tính tỉ số giữa chiều dài và chiều rộng của căn phòng đó.

Giải

$\frac{27}{5}:\frac{15}{4}=\frac{27}{5}.\frac{4}{15}=\frac{27.4}{5.15}=\frac{36}{25}$.

Vậy tỉ số giữa chiều dài và chiều rộng của căn phòng là $\frac{36}{25}$.


Xem thêm các bài học khác :

Chương 1. Số hữu tỉ

Bài 1. Tập hợp các số hữu tỉ
Bài 2. Các phép tính với số hữu tỉ
Bài 3. Lũy thừa của một số hữu tỉ
Bài 4. Quy tắc dấu ngoặc và quy tắc chuyển vế
Ôn tập chương 1. Số hữu tỉ