Bài 1. Số thập phân

Chương 6. SỐ THẬP PHÂN

Em có đọc được các số sau đây hay không?

$-\frac{30}{100}$ ; -30% ; -0,3.

1. Số thập phân âm

Phân số thập phân là phân số có mẫu sốlũy thừa của 10.

$\frac{7}{10};\frac{-13}{100};\frac{-153}{10000};$ ... là các phân số thập phân.

Mọi phân số thập phân đều có thể viết được dưới dạng số thập phân, chẳng hạn:

$\frac{93}{10}=9,3;\frac{-123}{100}=-1,23;\frac{53}{1000}=0,053;\frac{-123}{10000}=-0,0123;-\frac{3883}{100}=-38,83$.

• Các phân số thập phân dương được viết dưới dạng số thập phân dương.

Các phân số thập phân âm được viết dưới dạng số thập phân âm.

9,3; 0,053 là các số thập phân dương.

-1,23; -0,0123 là các số thập phân âm.

Số thập phân gồm hai phần: phần số nguyên (viết bên trái dấu phẩy) và phần thập phân (viết bên phải dấu phẩy).

Số 1,234 là số thập phân dương có phần số nguyên là 1 và phần thập phân là 234.

Số -65,4798 là số thập phân âm có phần số nguyên là -65 và phần thập phân là 4798.

Ví dụ

a) Viết các phân số thập phân sau đây dưới dạng số thập phân:

$\frac{37}{100};\frac{-34517}{1000};\frac{-254}{10};\frac{-999}{10}$.

b) Viết các số thập phân sau đây dưới dạng phân số thập phân:

2;  2,5; -0,007;  -3,053;  -7,001;  7,01.

Giải

a) $\frac{37}{100}=0,37;\frac{-34517}{1000}=-34,517;\frac{-254}{10}=-25,4;\frac{-999}{10}=-99,9$.

b) 2 = 2,0 = $\frac{20}{10}$;  2,5 = $\frac{25}{10}$; -0,007 = $\frac{-7}{1000}$;  -3,053 = $\frac{-3053}{1000}$;  -7,001 = $\frac{-7001}{1000}$;  7,01 = $\frac{701}{100}$.

2. Số đối của một số thập phân

Hai số thập phân gọi là đối nhau khi chúng biểu diễn hai phân số thập phân đối nhau.

Ví dụ

Tìm số đối của các số thập phân sau: 7,02;  -28,12;  -0,69;  0,999.

Giải

Số đối của 7,02 là -7,02;

Số đối của -28,12 là 28,12;

Số đối của -0,69 là 0,69;

Số đối của 0,999 là -0,999.

3. So sánh hai số thập phân

• Nếu hai số thập phân trái dấu, số thập phân dương luôn lớn hơn số thập phân âm.

• Trong hai số thập phân âm, số nào có số đối lớn hơn thì số đó nhỏ hơn.

Ví dụ

1)

a) Hãy sắp xếp các số thập phân sau theo thứ tự tăng dần: -12,13; -2,4; 0,5; -2,3; 2,4.

b) Hãy sắp xếp các số thập phân sau theo thứ tự giảm dần: -2,9; -2,999; 2,9; 2,999.

Giải

a) So sánh các số thập phân dương 0,5; 2,4:

Ta được 0,5 < 2,4.

So sánh các số thập phân âm -12,13; -2,4; -2,3:

Ta có, 12,13 > 2,4 > 2,3 nên -12,13 < -2,4 < -2,3.

Vậy các số được sắp xếp theo thứ tự tăng dần là: -12,13; -2,4; -2,3;  0,5; 2,4.

a) So sánh các số thập phân dương 2,9; 2,999:

Ta được 2,999 > 2,9.

So sánh các số thập phân âm -2,9; -2,999:

Ta có, 2,9 < 2,999 nên -2,9 > -2,999.

Vậy các số được sắp xếp theo thứ tự giảm dần là: 2,999; 2,9; -2,9; -2,999.

 

2) Hãy sắp xếp nhiệt độ đông đặc của các chất sau từ thấp đến cao:

Chất Nhiệt độ đông đặc (độ C)
Thủy ngân -38,83
Rượu -114,1
Băng phiến 80,26
Nước 0

Giải

Ta cần sắp xếp các số thập phân -38,83; -114,1; 80,26; 0 theo thứ tự tăng dần.

So sánh các số thập phân âm -38,83; -114,1:

Ta có, 114,1 > 38,83 nên -114,1 < -38,83.

Vậy nhiệt độ đông đặc của các chất được sắp xếp từ thấp đến cao là:

-114,1 °C (Rượu); -38,83 °C (Thủy ngân); 0 °C (Nước); 80,26 0 °C (Băng phiến).


Xem thêm các bài học khác :

Chương 6. SỐ THẬP PHÂN

Bài 1. Số thập phân
Bài 2. Các phép tính với số thập phân
Bài 3. Làm tròn số thập phân và ước lượng kết quả
Bài 4. Tỉ số và tỉ số phần trăm
Bài 5. Bài toán về tỉ số phần trăm
Ôn tập chương 6. Số thập phân