Nhắc lại về tập hợp.

Tập con và hai tập hợp bằng nhau.

Một số tập con thường sử dụng của tập hợp số thực.

1. Tập hợp

Từ tập hợp để chỉ một nhóm đối tượng đã được xác định, mỗi đối tượng gọi là một phần tử của tập hợp đó.

Cách xác định tập hợp

Xét tập hợp A các số tự nhiên chẵn nhỏ hơn 15. Ta có thể viết tập hợp A dưới dạng liệt kê các phần tử:

A = {0; 2; 4; 6; 8; 10; 12; 14},

hoặc dưới dạng chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử:

A = {x | x ∈ ℕ, x chẵn và x < 15}.

Chú ý: Khi liệt kê các phần tử của tập hợp thì:

• Các phần tử có thể viết theo thứ tự tùy ý.

• Mỗi phần tử chỉ được liệt kê một lần.

• Quy tắc xác định các phần tử đủ rõ, ta có thể dùng  (như là {0; 1; 2; …; 100} ).

Viết các tập hợp sau đây dưới dạng liệt kê các phần tử và tìm số phần tử của mỗi tập hợp đó:

a) Tập hợp A các ước của 24;

b) Tập hợp B gồm các chữ số trong số 1 113 305;

c) C = {n ∈ ℕ | n là bội của 5 và n ≤ 30};

d) D = {x ∈ ℝ | x2 – 2x + 3 = 0}.

Tập hợp mà ta có thể đếm hết các phần tử, gọi là tập hợp hữu hạn. Số phần tử của tập hợp hữu hạn E, kí hiệu là n(E).

• Tập hợp không có phần tử nào gọi là tập hợp rỗng, kí hiệu là n(∅) = 0.

Ví dụ

1) Tập hợp các số tự nhiên ℕ = {0; 1; 2; 3; … }.

Ta có: 4 ∈ ℕ, 100 ∈ ℕ, -1 ∉ ℕ, 1,5 ∉ ℕ.

 

2) Viết các tập hợp sau đây dưới dạng liệt kê các phần tử và tìm số phần tử của mỗi tập hợp đó:

a) Tập hợp A gồm các số tự nhiên là ước của 24;

b) Tập hợp B gồm các chữ số trong số 1 113 305;

c) C = {n ∈ ℕ | n là bội của 5 và n ≤ 30};

d) D = {x ∈ ℝ | x2 – 2x + 3 = 0}.

Giải

a) A = {1; 2; 3; 4; 6; 8; 12; 24}.  n(A) = 8 (phần tử).

b) B = {1; 3; 0; 5}.  n(B) = 4 (phần tử).

c) C = {0; 5; 10; 15; 20; 25; 30}.  n(C) = 7 (phần tử).

d) Phương trình x2 – 2x + 3 = 0, có ∆’ = (-1)2 – 1. 3 = -2 < 0 nên phương trình vô nghiệm.

Vậy D = ∅.  n(D) = 0 (phần tử).

 

3) Viết các tập hợp sau đây dưới dạng chỉ ra tính chất đặc trưng cho các phần tử:

a) A = {1; 3; 5; …; 15};

b) B = {0; 5; 10; 15; 20; …};

c) Tập hợp C các nghiệm của bất phương trình 2x + 5 > 0.

Giải

a) A = {x ∈ ℕ | x lẻ và x ≤ 15}.

b) B = {x ∈ ℕ | x là bội của 5}.

c) 2x + 5 > 0 ⇔ x > $\frac{-5}{2}$. Vậy C = { x ∈ ℝ | x > $\frac{-5}{2}$ }.

2. Tập con và hai tập hợp bằng nhau

♦ Cho hai tập hợp A và B. Nếu mọi phần tử của A đều là phần tử của B thì ta nói A là tập con của B và kí hiệu A ⊂ B (đọc là A chứa trong B), hoặc B ⊃ A (đọc là B chứa A).

Nhận xét:

A ⊂ A và Ø ⊂ A với mọi tập hợp A.

• Nếu A không phải là tập con của B thì ta kí hiệu A ⊄ B (đọc là A không chứa trong B

• Nếu A ⊂ B hoặc B ⊂ A thì ta nói A và B có quan hệ bao hàm.

• Với các tập hợp A, B, C bất kì, nếu A ⊂ B và B ⊂ C thì A ⊂ C.

♦ Trong toán học, người ta thường minh họa tập hợp bởi một đường cong kín, gọi là biểu đồ Ven.

Minh họa A là tập con của B như Hình 1.

Hình 1 B A

Giữa các tập hợp số (tập số tự nhiên, tập số nguyên, tập số hữu tỉ, tập số thực), ta có quan hệ bao hàm (Hình 3):

ℕ ⊂ ℤ ⊂ ℚ ⊂ ℝ.

Hình 3 R N Q Z

♦ Nếu A ⊂ B và B ⊂ A thì ta nói hai tập hợp A và B bằng nhau, kí hiệu A = B.

Ví dụ

1) Trong mỗi cặp tập hợp sau đây, tập hợp nào là tập con của tập hợp còn lại? Chúng có bằng nhau không?

a) A = {$-\sqrt{3};\sqrt{3}$} và B = {x ∈ ℝ | x2 – 3 = 0};

b) C là tập hợp các tam giác đều và D là tập hợp các tam giác cân;

c) E = {x ∈ ℕ | x là ước của 12} và F = {x ∈ ℕ | x là ước của 24}.

Giải

a) Phương trình x2 – 3 = 0 ⇔ x = $\sqrt{3}$ hoặc x = $-\sqrt{3}$. Do đó, B = {$\sqrt{3};-\sqrt{3}$}

Ta có: với x ∈ A thì x ∈ B nên A ⊂ B. Với x ∈ B thì x ∈ A nên B ⊂ A. Suy ra A = B.

b) Ta có một tam giác đều cũng là một tam giác cân.

Suy ra: với x ∈ C thì x ∈ D nên C ⊂ D.

Một tam giác cân không phải là đều kiện đủ để là một tam giác đều nên D ⊄ C. Do đó C và D không bằng nhau.

c) Ta có: E = {1; 2; 3; 4; 6; 12},  F = {1; 2; 3; 4; 6; 8; 12; 24}.

Ta thấy, với x ∈ E thì x ∈ F nên E ⊂  F.

8 ∈ F nhưng 8 ∉ E nên F ⊄ E. Do đó, E và F không bằng nhau.

 

2) Viết tất cả các tập con của tập hợp A = {a; b}.

Giải

Các tập hợp con của A là: ∅, {a}, {b}, {a; b}.

3. Một số tập con của tập hợp số thực

a và b là hai số thực, với a < b.

Tên gọi và kí hiệu Tập hợp Biểu diễn trên trục số
(Phần không bị gạch chéo)
Tập hợp số thực (-∞ ; +∞) 0
Đoạn [a ; b] {x ∈ ℝ | a ≤ x ≤ b} ] [ a b
Khoảng (a ; b) {x ∈ ℝ | a < x < b} ) ( a b
Nửa khoảng [a ; b) {x ∈ ℝ | a ≤ x < b} ) [ a b
Nửa khoảng (a ; b] {x ∈ ℝ | a < x ≤ b} ] ( a b
Nửa khoảng (-∞ ; a] {x ∈ ℝ | x ≤ a } ] a
Nửa khoảng [a ; +∞) {x ∈ ℝ | a ≤ x } [ a
Khoảng (-∞ ; a) {x ∈ ℝ | x < a } ) a
Khoảng (a ; +∞) {x ∈ ℝ | a < x } ( a

Kí hiệu -∞ đọc là âm vô cực (âm vô cùng), +∞ đọc là dương vô cực (dương vô cùng).

Ví dụ

Dùng các kí hiệu đoạn, khoảng, nửa khoảng để viết các tập hợp sau đây:

a) {x ∈ ℝ | -2 < x < 3};   b) {x ∈ ℝ | 1 ≤ x ≤ 10};   c) {x ∈ ℝ | -5 < x ≤ $\sqrt{3}$ };

d) {x ∈ ℝ | π ≤ x < 4};   e) {x ∈ ℝ | x < $\frac{1}{4}$ };   g) {x ∈ ℝ | x ≥ $\frac{π}{2}$ }.

Giải

a) Tập hợp {x ∈ ℝ | -2 < x < 3} là khoảng (-2 ; 3).

b) Tập hợp {x ∈ ℝ | 1 ≤ x ≤ 10} là đoạn [1 ; 10].

c) Tập hợp {x ∈ ℝ | -5 < x ≤ $\sqrt{3}$ } là nửa khoảng (-5 ; $\sqrt{3}$].

d) Tập hợp {x ∈ ℝ | π ≤ x < 4} là nửa khoảng [π ; 4).

e) Tập hợp {x ∈ ℝ | x < $\frac{1}{4}$ } là khoảng (−∞ ; $\frac{1}{4}$).

g) Tập hợp {x ∈ ℝ | x ≥ $\frac{π}{2}$ } là nửa khoảng [$\frac{π}{2}$ ; +∞).


Xem thêm các bài học khác :

Chương 1. Mệnh đề và tập hợp

Bài 1. Mệnh đề
Bài 2. Tập hợp
Bài 3. Các phép toán trên tập hợp
Ôn tập chương 1. Mệnh đề và tập hợp